Cây hoa phượng vĩ (phượng hồng)
Cây phượng hay còn gọi là cây phượng vĩ, cây có hoa màu
rực rỡ, là cây cảnh được trồng làm cây bóng mát phổ biến ở nước ta, cây được ưa
chuộng trồng từ bao đời nay. Cây không những có hoa đẹp lại dễ trồng và chăm
sóc, chịu hạn tốt, dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện thời tiết.
Ngày nay do diện tích nhà ở ngày càng nhiều, diện tích cây
xanh giảm. Việc tăng cường cây xanh nhằm giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng
như giảm nóng bức ngày hè. Hiểu rõ nhu cầu cần thiết của cây xanh, ở những
thành phố lớn đã tăng cường trồng nhiều cây phượng ở công viên, trường học và
trên các tuyến đường nhiều, cây phượng vĩ có tán lớn tạo bóng mát và hấp thụ
khói bụi rất tốt.
Giới thiệu về đặc điểm cây phượng vĩ
Ngoài tên gọi là cây phượng vĩ cây còn có tên gọi là cây phượng
vỹ, phượng hồng, xoan tây, cây điệp tây, cây kim hoàng. Cây có tên khoa học
là Delonix regia.
Cây phượng có nguồn gốc từ những nơi có khí hậu nhiệt đới và
cận nhiệt đới, được tìm thấy đầu tiên ở miền tây Madagascar. Khi được trồng ở
Việt Nam rất phù hợp với khí hậu nước ta cho cây phát triển xanh tốt.
Thân cây: Thuộc cây thân gỗ lớn, sống lâu năm, cây cao lên đến
20 m, thân cây hoa phượng vĩ phân thành nhiều nhánh lớn rất thích hợp
làm cây bóng mát.
Lá: Lá thuộc dạng lá kép lông chim, dài đến 45cm, lá cây phượng
mọc rậm rạp phân bổ khắp cây tạo bóng mát tốt.
Hoa: Có hoa màu đỏ, màu tím hoặc màu vàng nở rực rỡ vào ngày
hè, hoa cánh to và đẹp, mọc thành từng chùm tập trung ở ngọn, hoa có mùi thơm
nhẹ và rất đẹp.
Rễ: Với bộ rễ chùm ăn sâu xuống lòng đất, giúp cây dễ dàng hấp
thụ nước dưới lòng đất giúp cây chịu khô hạn bởi thời tiết nắng nóng. Rễ cây
phượng còn có thể chịu được vùng đất mặn điều này làm cho cây lại càng được ưa
chuộng nhiều hơn.
Quả: Với hình dáng quả dài như quả đậu dài tới 60cm, rộng
khoảng 5cm bên trong là những hạt nhỏ tròn bằng hạt đậu đỗ, cây sử dụng hạt để
ươm giống thành cây con.
>>> Xem thêm bài viết Công dụng của hoa thược dược - Hướng dẫn cách trồng hoa thược dược
Ý nghĩa tên cây phượng vĩ
Tên “phượng vĩ” là chữ ghép Hán Việt – “phượng vỹ” có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Đây có thể là một hình thức đặt tên gọi theo cảm xúc vì các lá phượng vĩ nhất là các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng.
Tại Việt Nam, cây hoa phượng là biểu tượng gắn liền với tuổi
học trò. Do mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia
tay của nhiều thế hệ học trò. Cây còn gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui của
tuổi học trò, và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi “hoa học trò”. Thành phố Hải
Phòng là khu vực trồng rất nhiều phượng vĩ. Vì thế thành phố này còn được gọi một
cách văn chương là “thành phố Hoa Phượng Đỏ”. Nhà thơ Thanh Tùng có bài thơ Thời
hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên, viết về
những kỷ niệm của tuổi trẻ với mùa hoa phượng vĩ.
Công dụng của cây phượng vĩ đối với đời sống
Cây phượng được biết đến nhiều nhất với công dụng che bóng
mát. Nhờ vào ưu điểm tán cây rộng và lá dày mọc khít nhau nên phượng được trồng
ở công viên, trường học, góc phố,...để tạo bóng râm.
Ngoài ra, sắc hoa phượng đỏ rực còn đem lại giá trị thẩm mỹ
làm cho không gian trở nên sinh động và tràn đầy sức sống. Cây phượng còn được
nhiều người chơi kiểng tìm mua để trồng bonsai nhằm đem lại phong
thủy tốt.
Thân cây phượng còn được dùng và chế tác như một loại gỗ có
thể tạo thành các đồ vật trang trí nội thất, thậm chí làm ván và đóng hòm.
Không những thể, vỏ cây và lá cây còn được sử dụng như những loại dược liệu điều
trị các chứng bệnh khác nhau. Trong khi vỏ cây có tác dụng hạ sốt, hạ huyết áp,
giảm sưng đau xương khớp,... thì lá cây chữa được chứng ợ hơi, ợ chua, táo
bón,...
>>> Xem thêm bài viết Giới thiệu và ý nghĩa cây cẩm nhung
Cách trồng và chăm sóc
Phượng vĩ cần khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới để phát triển tốt. Nhưng cây vẫn có thể chịu được các điều kiện khô hạn và đất mặn.
Cây tái sinh hạt và chồi đều mạnh. Cây có thể phát triển tốt
trên mọi loại địa hình: ven biển, đồi núi, trung du. Cây Phượng Vĩ thuộc loại
ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, rất dễ gây trồng. Tuy
nhiên, nhược điểm lớn là tuổi thọ không cao: cây trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi
là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng, sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công. Còn
cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ cao hơn nhưng cũng
chỉ đạt 40-50 năm tuổi.